TP Hồ Chí Minh: Người thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội phải làm gì?

Bà Nguyễn Thị Đoan Trang cho biết, theo quy định tại Điều 12, Thông tư 09/2021/TT-BXD ngày 16/8/2021 của Bộ Xây dựng (Thông tư 09) đã hướng dẫn cụ thể việc thực hiện một số nội dung của Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015  của Chính Phủ về phát triển và quản lý NƠXH và Nghị định 49/2021/NĐ-CP ngày 4/1/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100.

Tại TP Hồ Chí Minh rất nhiều người dân có nhu cầu mua NƠXH

Theo đó, hộ gia đình, cá nhân mua, thuê, thuê mua NƠXH thực hiện một số thành phần hồ sơ: Đơn đăng ký mua, thuê, thuê mua NƠXH thực hiện theo mẫu số 1 tại phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 09. Học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, học sinh trường dân tộc nội trú công lập thì mẫu đơn đăng ký thuê NƠXH thực hiện theo mẫu số 10 phụ lục 1.

Đối với mẫu giấy xác nhận về đối tượng và thực trạng nhà ở, gồm: người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng (quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Nhà ở) thực hiện theo mẫu số 2 phụ lục 1.

Người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp; công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức (quy định tại khoản 5, 6 và 7 Điều 49, Luật Nhà ở) thực hiện theo mẫu số 3 phụ lục 1. Trường hợp các đối tượng này đã nghỉ việc, nghỉ chế độ theo quy định của pháp luật thì thực hiện theo mẫu số 4 phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 09.

Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị (quy định tại khoản 4, Điều 49, Luật Nhà ở) thực hiện theo mẫu số 4 phụ lục 1. Các đối tượng đã trả lại nhà công vụ (quy định tại khoản 8, Điều 49, Luật Nhà ở), thực hiện theo mẫu số 5 phụ lục 1.

Học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, học sinh trường dân tộc nội công được sử dụng ở nhà ở trong thời gian học tập (quy định tại khoản 9, Điều 49, Luật Nhà ở) thực hiện theo mẫu số 6 phụ lục 1.

Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở (quy định tại khoản 10 Điều 49, Luật  Nhà ở) thực hiện theo mẫu số 7 phụ lục 1.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Đoan Trang, giấy tờ chứng minh về điều kiện cư trú và đóng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định tại khoản 16 Điều 1, Nghị định 49/2021/NĐ-CP.

Mẫu giấy chứng minh về điều kiện thu nhập: người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp; công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức (quy định tại các khoản 5, 6 và 7 Điều 49, Luật Nhà ở) thực hiện theo mẫu số 8 phụ lục 1. Trường hợp các đối tượng đã nghỉ việc, nghỉ chế độ theo quy định của pháp luật thì thực hiện theo mẫu số 9 phụ lục 1 (không cần phải xác nhận).

Đối với người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị (quy định tại khoản 4 Điều 49, Luật Nhà ở) thực hiện theo mẫu số 9 phụ lục 1 (không cần phải xác nhận). Các đối tượng quy định tại các khoản 1, 8, 9 và 10 Điều 49 Luật Nhà ở thì không yêu cầu giấy tờ chứng minh về điều kiện thu nhập.

“Tùy theo từng loại mẫu giấy tờ theo quy định tại Điều 12, Thông tư 09 của Bộ Xây dựng, sẽ được xác nhận tại UBND cấp xã về thực trạng nhà ở; xác nhận của cơ quan, đơn vị về đối tượng và các xác nhận của cơ quan chức năng… theo quy định cụ thể của từng loại mẫu được quy định tại Thông tư 09 nêu trên”, bà Nguyễn Thị Đoan Trang nói.