Xử nghiêm những vụ tấn công trên mạng

Chiều 7-11, QH tiến hành chất vấn với các nhóm lĩnh vực: khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo (GD-ĐT); văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động – thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông (TT-TT).

Góp ý theo kiểu “đập cho chết”

ĐB Tô Thị Bích Châu (đoàn TP HCM) chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT, Bộ Công an và Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, về giải pháp bảo vệ cá nhân và tổ chức khi bị cộng đồng mạng “bạo hành”. Ví dụ như việc liên quan đến Hoa hậu Ý Nhi hay phim “Đất rừng phương Nam” bị cộng đồng mạng “dập” cho tơi bời. Lúc đó ai bảo vệ họ? bảo vệ họ như thế nào hay phải chờ họ khiếu nại, kiến nghị, làm đơn? Theo ĐB, với kiểu bạo hành góp ý xây dựng theo kiểu “đập cho chết” thì rất nguy hiểm.

Trả lời, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hiện nay quản lý mạng xã hội sẽ được sửa đổi trong Nghị định 72 dự kiến được Chính phủ ký ban hành trong thời gian cuối năm 2023. Đây là nghị định căn bản để quản lý các mạng xã hội, trong đó có việc xâm hại đời tư sẽ xử lý như thế nào.

Bộ trưởng khẳng định sau khi có thể chế, cần có thiết chế để hỗ trợ người dân. Hiện Bộ TT-TT đã thành lập trung tâm xử lý tin giả quốc gia, nhưng cũng cần thành lập các trung tâm xử lý ở mức sâu hơn tại các tỉnh, thành để hỗ trợ người dân. “Chúng tôi sẽ cân nhắc ban hành quy định việc thành lập trung tâm xử lý tin giả trên không gian mạng ở cấp tỉnh trong năm 2023”.

Bộ TT-TT cũng phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm, xử lý hình sự một số vụ việc mang tính trọng tâm để mang tính răn đe. “Ví dụ như vừa rồi chúng ta xử lý bà Nguyễn Phương Hằng. Những vụ xử lý nghiêm minh bằng hình sự như thế mang tính răn đe rất cao” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dẫn chứng. Ngoài ra, giải pháp căn cơ hơn là xây dựng văn hóa số, đưa vào chương trình giáo dục thông tin, lồng ghép vào các giờ học về công nghệ thông tin. Bộ TT-TT cũng hình thành nền tảng đào tạo kỹ năng số cho người dân để tự bảo vệ mình và có cách ứng xử tốt.

Trả lời thêm nội dung này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng nói đang bàn để xem xét xử lý. Theo đó, bộ đã ban hành quy tắc ứng xử đối với đội ngũ làm công tác nghệ thuật. Riêng vấn đề liên quan bộ phim “Đất rừng Phương Nam”, bộ trưởng cho biết theo quy định của Luật Điện ảnh, Hội đồng Thẩm định đã họp và xem xét cấp phép cho hoạt động. Bộ phim này theo đánh giá của hội đồng là không vi phạm pháp luật về điện ảnh.

Xử nghiêm những vụ tấn công trên mạng - Ảnh 1.

Xây dựng, giáo dục văn hóa lành mạnh để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đườngẢnh: HOÀNG TRIỀU

Lo lắng bạo lực học đường

Trả lời chất vấn của ĐB Vương Quốc Thắng (đoàn Quảng Nam) về các giải pháp căn cơ khắc phục tình trạng bạo lực học đường, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, cho biết bạo lực học đường là vấn đề ngành giáo dục đang rất lo lắng, tìm mọi cách để cùng các địa phương, các ngành xử lý. “Từ tháng 9-2021 đến đầu tháng 11-2023, trên cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường, liên quan đến 2.016 học sinh, trong đó có 854 học sinh nữ” – ông nói.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết bình quân 50 cơ sở giáo dục thì xảy ra một vụ bạo lực học đường. Đáng chú ý, tỉ lệ vụ việc bạo lực học đường với số lượng lớn học sinh tham gia chiếm tỉ lệ ngày càng cao. Bạo lực học đường xảy ra cả trong và ngoài trường học.

Về nguyên nhân, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thẳng thắn nhìn nhận trước hết từ phía ngành giáo dục khi nhà trường còn lúng túng trong phát hiện cũng như xử lý các tình huống. Tuy nhiên, một phần có nguyên nhân từ bạo lực trong gia đình mà học sinh vừa là nạn nhân, vừa là người chứng kiến; rồi tác động của mạng xã hội, phim ảnh, trong đó có các bộ phim mang nội dung bạo lực. Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đề nghị các ngành liên quan hỗ trợ để cùng giải quyết. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *