Vụ án tại trạm nghiên cứu của Mỹ ở Nam Cực gây chú ý

Tại phiên xét xử Bieneman ở TP Honolulu, Hawaii – Mỹ ngày 6-11, Stephen Tyler Bieneman không thừa nhận cáo buộc tấn công bạo lực vào tháng 11 năm ngoái ở Trạm nghiên cứu McMurdo của Mỹ tại Nam Cực.

Vụ án tại trạm nghiên cứu của Mỹ ở Nam Cực gây chú ý - Ảnh 1.

Trạm McMurdo là một trạm nghiên cứu khoa học của Mỹ tại Nam Cực, nằm ở mũi phía Nam của Đảo Ross – New Zealand. Ảnh: AP

Từ cáo buộc của các công tố viên, sự việc xảy ra vào khuya ngày 24-11-2022 hoặc sớm ngày 25-11-2022. Một người phụ nữ đang ngồi ở phòng khách ký túc xá chờ giặt đồ thì Bieneman, đang say rượu sau buổi tiệc sinh nhật, bước vào. 

Cô này đã đùa với Bieneman bằng cách lấy thẻ tên anh ta không trả và chạy vòng quanh ghế sô pha. Bieneman quật người phụ nữ ngã sấp xuống sàn, đạp chân lên cổ họng cô và lục túi để tìm lại thẻ tên.

Theo các công tố viên, cô này đã liên tục thể hiện rằng mình không thở được suốt một phút cho đến khi Bieneman tìm thấy đồ của mình và bỏ chân ra. Sau đó, cô này đã phải đến phòng khám để kiểm tra.

“Trong lần kiểm tra y tế một tuần sau sự việc, nạn nhân cho biết tình trạng căng cơ đã cải thiện nhưng vẫn phải vật lộn với chứng mất ngủ, chán ăn, âu lo và trầm cảm – hậu quả từ vụ tấn công. Không lâu sau, nạn nhân đã thôi việc ở Trạm nghiên cứu McMurdo” – trích bản cáo buộc.

Vào ngày 10-12-2022, 2 tuần sau vụ việc, Bieneman được Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) gửi đến băng nguyên Allan Hills, cách Trạm nghiên cứu McMurdo hơn 160 km cùng với nhóm thực địa COLDEX. Vai trò của Bieneman là chịu trách nhiệm cho sự an toàn của nhóm.

Hồ sơ tòa án cho thấy lệnh bắt giữ Bieneman đã được ban hành từ ngày 12-12-2022. Tuy nhiên, đến ngày 19-12-2022, Bieneman mới rời đi. Anh ta đã ở lại đây tròn một tuần.

Hồ sơ tòa án cho thấy Bieneman bị sa thải khi từ trại thực địa trở về trạm nghiên cứu. Anh ta được cấp một vé máy bay về Mỹ và bị bắt khi đáp tại Hawaii. Sau đó, Bieneman được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 25.000 USD.

Vụ án tại trạm nghiên cứu của Mỹ ở Nam Cực gây chú ý - Ảnh 3.

Stephen Tyler Bieneman (phải) rời Tòa án Liên bang ở TP Honolulu ngày 6-11. Ảnh: AP

NSF từ chối trả lời những câu hỏi về lý do gửi Bieneman đi thực địa với vai trò bảo vệ tương đối quan trọng dù anh này đang bị điều tra. 

Luật sư của Bieneman, ông Birney Bervar, cho rằng vụ việc chỉ là “đùa giỡn”. Ông Bervar đã miêu tả người phụ nữ là “hiếu thắng và hung hãn” vì cô này không được mời tới tiệc sinh nhật của Bieneman.

Tuy nhiên, Giáo sư ĐH Washington Howard Conway, thành viên nhóm thực địa, viết trong đơn khiếu nại gửi NSF rằng Bieneman có kể với sinh viên về vụ ẩu đả tại Trạm nghiên cứu McMurdo. “Anh ta kể đã cãi nhau với một người phụ nữ, vật lộn với cô ta, làm cô ta gặp vấn đề về hô hấp và do đó phải điều trị”.

Theo hãng tin AP ngày 7-11, ban đầu Bieneman hợp tác rất tốt với nhóm thực địa khi dựng trại. Tuy nhiên, theo ông Cownay, Bieneman “độc đoán và hay chỉ trích” sinh viên nữ trong nhóm.

Vụ án tại trạm nghiên cứu của Mỹ ở Nam Cực gây chú ý - Ảnh 4.

Băng nguyên Allan Hills nằm ở vùng Oates Land và Victoria Land của Nam Cực, là một địa điểm thực địa nổi tiếng. Ảnh: Mike Waszkiewicz

Công tố viên liên bang Mohammad Khatib cho rằng hành vi của Bieneman là phạm tội. “Khi được lựa chọn giải quyết một vấn đề theo cách hòa bình hay bạo lực, bị cáo đã chọn bạo lực” – ông Khatib nói với bồi thẩm đoàn.

Trong một cuộc điều tra của hãng tin AP vào tháng 8 năm nay, có một điểm chung ở những người phụ nữ tại Trạm nghiên cứu McMurdo là khi họ báo cáo việc bị quấy rối tình dục hoặc tấn công thì sẽ luôn bị chủ lao động giảm nhẹ.

Vào ngày 3-11, Văn phòng giám sát của NSF thông báo họ sẽ cho người đến điều tra Trạm nghiên cứu McMurdo trong tháng này. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *