Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa

Chú thích ảnh
Phòng Cảnh sát đường thủy – Công an tỉnh Kiên Giang tuần tra trên địa bàn xã Bình An, huyện Châu Thành. Ảnh minh họa: Lê Sen/TTXVN

Văn bản nêu rõ: Theo báo cáo từ Bộ Công an, 5 tháng đầu năm 2020, toàn quốc xảy ra 32 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết 31 người, bị thương 4 người; so với cùng kỳ năm 2019, tăng 8 vụ (33,33%), tăng 18 người chết (tăng 138,46%), tăng 3 người bị thương (tăng 300%). Nghiêm trọng nhất là 2 vụ lật thuyền ở Quảng Nam xảy ra ngày 25/2 và 8/5 làm 11 người chết. Nguyên nhân trực tiếp trong các vụ tai nạn giao thông đường thủy chủ yếu do vi phạm quy tắc tránh vượt, chở quá tải trọng, quá số người cho phép, thiếu trang thiết bị an toàn.

Nguyên nhân của tình trạng này chính là sự buông lỏng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và quản lý nhà nước về an toàn giao thông đường thủy ở một số địa phương. Đồng thời, quy định hiện hành về chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quy  định an toàn giao thông đường thủy chưa đủ sức răn đe, đặc biệt là hành vi vi phạm quy định về trang thiết bị an toàn đối với phương tiện dân sinh, phương tiện nhỏ khi tham gia giao thông đường thủy; chưa có chế tài xử phạt đối với hành vi không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện dân sinh, phương tiện nhỏ.

Tình trạng phương tiện dân sinh tự đóng, không theo quy chuẩn kỹ thuật, không có thử nghiệm và kiểm định về an toàn giao thông, được người dân sử dụng để đi lại, sản xuất phục vụ đời sống còn khá phổ biến. Người điều khiển phương tiện thiếu kiến thức về an toàn.

Để ngăn ngừa, hạn chế các vụ tai nạn giao thông đường thủy, đặc biệt là trong mùa mưa bão sắp tới, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, trong đó chú trọng tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng và thông tin cơ sở (truyền thanh thôn, xóm, xã, phường) những quy định về điều kiện hoạt động của phương tiện, người điều khiển phương tiện thủy; quy định về trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông và các phương tiện thô sơ, phương tiện thủy loại nhỏ; quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy… nhằm nâng cao ý thức chấp hành cho người dân khi tham gia giao thông đường thủy. Đồng thời, hướng dẫn và tổ chức cho các chủ phương tiện thô sơ, phương tiện thủy loại nhỏ ký cam kết sử dụng phương tiện thủy đúng quy định. Khi chở người phải có đủ chỗ ngồi ổn định, an toàn và có đủ dụng cụ cứu sinh tương ứng với số người trên phương tiện; không chở quá số người quy định. Người đi trên phương tiện đường thủy phải mặc áo phao cứu sinh hoặc mang dụng cụ nổi cứu sinh.

Các địa phương, đơn vị tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa đối với phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, cảng, bến thủy nội địa; tập trung xử lý nghiêm các vi phạm đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 1 – 15 tấn hoặc có sức chở từ 5 – 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người; hành vi chở quá số người được phép chở trên phương tiện, không hướng dẫn, sắp xếp hành khách ngồi trên phương tiện và sử dụng áo phao, dụng cụ nổi…

Cơ quan, đơn vị đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” trên tất cả các tuyến, địa bàn đường thủy trọng điểm; xây dựng và phát triển các mô hình văn hóa như đoạn, tuyến sông văn hóa – an toàn, cụm cảng, bến văn hóa, văn minh, an toàn, khu dân cư, xóm làng an toàn…

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác phối hợp liên ngành bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa theo Quy chế phối hợp số 1065/QCPH-C67 ngày 21/3/2016 giữa lực lượng Cảnh sát giao thông, Đường thủy nội địa Việt Nam, Đăng kiểm Việt Nam.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện quy định pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy, nhất là việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa theo hướng siết chặt quy định, tăng nặng chế tài xử phạt đảm bảo đủ sức răn đe để ngăn ngừa vi phạm.

Trong đó có các hành vi như: đưa phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 1 – 15 tấn hoặc có sức chở từ 5 – 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người khi hoạt động trên đường thủy nội địa mà không tuân thủ các quy định về an toàn giao thông; bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định bắt buộc mặc áo phao hoặc cầm theo dụng cụ cứu sinh đối với người đi trên các loại phương tiện nêu trên.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *