Quy hoạch “treo”, người duyệt có bị xử lý, có phải bồi thường cho dân?

Ngày 3-11, phát biểu thảo luận tại Quốc hội về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu (ĐB) Huỳnh Thanh Phương (ĐB tỉnh Tây Ninh) bày tỏ băn khoăn về nhiều vấn đề trong dự thảo luật.

Người duyệt quy hoạch đất nhưng chậm thực hiện bị xử lý thế nào, có phải bồi thường cho dân? - Ảnh 1.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương băn khoăn việc người ký quy hoạch “treo” chịu trách nhiệm thế nào?

Về tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất tại Điều 76 dự thảo luật, ĐB Huỳnh Thanh Phương nhận thấy vẫn chưa có quy định chấm dứt tình trạng quy hoạch “treo” (quy hoạch chậm triển khai-PV) gây thiệt hại cho người dân.

Theo ĐB, dự thảo luật chưa làm rõ vai trò của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhưng chậm triển khai thực hiện, gây thiệt hại cho người sử dụng đất, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai thì có chịu trách nhiệm bồi thường không và xử lý ra sao, thực hiện như thế nào? ĐB Huỳnh Thanh Phương đề nghị cần quy định rõ hơn về trường hợp này.

Theo ĐB Huỳnh Thanh Phương, tại khoản 9 Điều 76, ĐB thống nhất chọn phương án 1, tức là giữ nguyên quy định như dự thảo trình tại kỳ họp lần thứ 5, không quy định về nguyên tắc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh, chỉ tiêu sử dụng đất cấp huyện mà tạo sự linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện, giao cho địa phương chủ động thực hiện trên cơ sở phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Cũng phát biểu liên quan đến vấn đề này, ĐB Lê Xuân Thân (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà) cho rằng dự thảo luật quy định trong vòng 2 năm kể từ khi có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện phê duyệt mà chưa điều chỉnh hủy bỏ thì người sử dụng đất được sử dụng bình thường, có nghĩa là không bị hạn chế.

Người duyệt quy hoạch đất nhưng chậm thực hiện bị xử lý thế nào, có phải bồi thường cho dân? - Ảnh 3.

Đại biểu Lê Xuân Thân phát biểu

“Đây là một quy định tiến bộ. Nghiên cứu về Luật Đất đai hiện hành năm 2013, tôi thấy Ban soạn thảo mới chỉ sửa từ 3 năm xuống còn 2 năm, còn nội dung thì vẫn như cũ. Điều này vẫn không khắc phục được tình trạng kéo dài của các dự án, các quy hoạch và kế hoạch kéo dài” – ĐB Lê Xuân Thân nói.

Theo ĐB Lê Xuân Thân, cần phải có một sự đổi mới mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn trong vấn đề này. Thực tế vẫn có địa phương tổ chức thực hiện quyết định thu hồi đất đã ban hành cách đây 7, 8 năm. Tình trạng này khiến đời sống người dân không ổn định và nhiều vấn đề hệ lụy khác.

“Tôi thấy chúng ta cần phải nhìn nhận lại vấn đề này. Cần phải có thời hạn đối với các quyết định thu hồi đất, thông báo thu hồi đất và kể cả kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện” – ĐB Lê Xuân Thân đề xuất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *