Nhiều học sinh, sinh viên thiếu định hướng tích cực, mơ hồ trong mục đích sống

Ngày 7-11, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, Đảng uỷ ĐHQG TP HCM, Đảng ủy khối ĐH-CĐ, Đảng uỷ Sở GD-ĐT, Đảng ủy Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM tổ chức Toạ đàm “Tăng cường công tác chính trị tự tưởng trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP”.

Ông Nguyễn Minh Hải, Trưởng phòng Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, cho biết với sự tác động không nhỏ của các biểu hiện đạo đức xã hội, nhận thức và thực hành về đạo đức cũng như lý tưởng sống của thanh niên, trong đó có học sinh, sinh viên, vẫn còn nhiều lỗ hổng. Bạo lực học đường có những diễn biến phức tạp với mức độ ngày càng trầm trọng. Quan hệ thầy trò có dấu hiệu suy thoái, tinh thần “tôn sư trọng đạo” không được thể hiện rõ nét; vị trí người thầy trong giềng mối “quân – sư – phụ” theo quan niệm truyền thống bị thay đổi sâu sắc. Lối sống buông thả của một bộ phận thanh niên không chỉ gây ra mối lo về sự xuống cấp của đạo đức xã hội mà còn là mối nguy về sức khỏe và sự phát triển của giống nòi… Những điều đó diễn ra từng ngày từng giờ; công luận, xã hội lên án nhưng biện pháp ngăn chặn thực sự hữu hiệu vẫn còn thiếu.

Một số kết quả nghiên cứu cho thấy hầu hết học sinh, sinh viên vẫn còn mơ hồ về hướng đi và mục tiêu phấn đấu của mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chưa coi trọng các kỹ năng mềm. Việc lạm dụng mạng xã hội và bị mạng xã hội dẫn dắt trong một số bộ phận học sinh, sinh viên cũng rất đáng báo động…

Theo ông Nguyễn Minh Hải, có ý kiến cho rằng có vẻ như nhà trường còn dạy thiếu cái gì đó, cách đánh giá về trình độ học sinh còn khiếm khuyết gì đó, dường như do mải trang bị năng lực mà bỏ qua trang bị cho học sinh quyết tâm và cách tìm cơ hội. “Hiện tượng đó cho thấy ở góc độ văn hóa, đạo đức, phải chăng sinh viên, học sinh nước ta chưa được trang bị một nền tảng văn hóa, đạo đức cần thiết, vững vàng để ít nhiều tự chủ được cuộc sống của mình?” – ông Hải trăn trở.

Không chỉ vậy, với mặt trái của cơ chế thị trường, sự tác động mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông hiện đại, nhất là mạng xã hội, nhận thức về chính trị, văn hóa, đạo đức, lối sống… của một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên bị tác động tiêu cực bởi những gì họ tiếp nhận được mà thiếu một “bộ lọc” cần thiết. Chẳng hạn, hiện nay trong thanh niên, gần như có một xu hướng giải phóng tình dục diễn ra với nhiều biểu hiện phức tạp. Hay qua phim ảnh, internet, mạng xã hội, các lối sống, ngôn ngữ, thời trang, âm nhạc… của nước ngoài chỉ sau một thời gian ngắn là đã có mặt tại Việt Nam và được một bộ phận thanh niên tiếp nhận… Do đó, nếu không có sự định hướng tích cực, kịp thời, đúng mực, thì những biểu hiện ấy sẽ tác động tiêu cực đến nhận thức, lý tưởng, tình cảm của sinh viên, học sinh đối với đất nước, cộng đồng, xã hội, gia đình.

Trong khi đó, một trong các nguyên nhân của những biểu hiện hạn chế về đạo đức, lối sống của thanh niên là do chúng ta chưa thật sự quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ trước những biến đổi to lớn của đất nước. Nội dung giáo dục đạo đức, lối sống còn thiếu chiều sâu, chưa thiết thực. Hình thức giáo dục đạo đức, lối sống còn sơ sài, chưa có sức hấp dẫn, lôi cuốn thanh niên. Sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng, giữa nhà trường, gia đình, xã hội còn nhiều hạn chế…

Do đó, việc tiếp tục giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách sâu sắc hơn, đầy đủ hơn, toàn diện hơn, cụ thể hơn, thuyết phục hơn trong nhà trường càng cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Đó là cách để thực hiện công tác chính trị tư tưởng một cách thiết thực, có ý nghĩa cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục trong điều kiện hiện nay.

Hội nghị cũng nghe các tham luận chia sẻ về việc thực hiện cùng các giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong trong cán bộ, đảng viên, giảng viên, sinh viên, học sinh…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *