Lưu Hữu Hải, Nhà sáng lập Legacy Ears: Khởi nghiệp “siêu ngách” với dòng tai nghe độc bản

Lưu Hữu Hải, Nhà sáng lập Legacy Ears: Khởi nghiệp “siêu ngách” với dòng tai nghe độc bảnChọn khởi nghiệp ở một phân khúc siêu ngách và đòi hỏi nhiều yêu cầu kỹ thuật – sản xuất tai nghe cá nhân hóa, nhưng Lưu Hữu Hải vẫn tạo được dấu ấn riêng để đi đến thành công.

Lưu Hữu Hải, Nhà sáng lập Legacy Ears.

Tai nghe cá nhân hóa theo nhu cầu khách hàng
Trên thế giới, tai nghe cá nhân hóa không phải là sản phẩm mới, vì từ lâu, nhiều nhà sản xuất đã cho phép khách hàng lựa chọn thiết kế, màu sắc theo sở thích của mình. Dòng tai nghe “made in Vietnam” do Lưu Hữu Hải sản xuất ra mắt chưa lâu, nhưng xét về độ cá nhân hóa, thì thậm chí còn vượt trội hơn so với những sản phẩm ngoại.
Mỗi tháng, các hãng sản xuất nước ngoài thường cung cấp ra thị trường khoảng vài chục sản phẩm tai nghe cá nhân hóa, khách hàng quyết định mẫu tai nghe mình mong muốn dựa theo những lựa chọn có sẵn từ nhà sản xuất. Còn tại Legacy Ears, Hải chỉ sản xuất 4 – 5 cặp tai nghe mỗi tháng, nhưng đây đều là những thiết kế độc bản dựa trên nhu cầu cụ thể của từng khách hàng. Thậm chí, rất nhiều mẫu sản phẩm “có một không hai” trên thị trường.
Nhà sáng lập cho biết, quy trình sản xuất một cặp tai nghe cá nhân hóa thường mất khoảng 4 tuần. Đầu tiên, Hải cần trao đổi trực tiếp với khách hàng để hiểu nhu cầu, sở thích và thể loại âm thanh khách hay nghe, từ đó lựa chọn thiết kế và các cấu phần kỹ thuật cho phù hợp. Tiếp theo, Hải dùng silicon để lấy khuôn tai khách hàng – đây là cơ sở để đảm bảo rằng, mỗi cặp tai nghe chỉ là độc bản, vừa với duy nhất cá nhân đó. Cuối cùng, dựa trên mẫu thiết kế và phần khuôn tai đã lấy, Hải mới bắt tay sản xuất.
Khi đam mê chuyển thành công việc, thì đó sẽ là công việc, chứ không còn là đam mê nữa.- Lưu Hữu Hải, Nhà sáng lập Legacy Ears
Trong cả quá trình trên, công đoạn chia sẻ, tư vấn cho khách hàng được Hải đánh giá là khó khăn nhất. Nhiều khi, khách hàng không biết mình thích gì, muốn gì, nên nhìn mẫu nào cũng ưng; hoặc có những khách hàng phải thay đổi thiết kế 3 – 4 lần trước khi duyệt phương án cuối cùng. “Hiểu khách hàng thật sự cần gì là yêu cầu tiên quyết của một người kinh doanh trong thị trường ngách như tai nghe cao cấp”, Hải khẳng định.
Chính vì quy trình sản xuất vô cùng cầu kỳ, nên giá các mẫu tai nghe cá nhân hóa mang thương hiệu Legacy Ears không hề thấp. Hải tiết lộ, các dòng phổ thông có giá từ 7 triệu đồng đến 35 triệu đồng/cặp, còn những dòng cao cấp hơn có thể lên đến 60 – 80 triệu đồng/cặp. Sản phẩm này dành riêng cho các kỹ sư âm thanh hoặc giới ca sĩ, nghệ sĩ trình diễn trên sân khấu, tránh bị rơi khi chạy nhảy, vận động mạnh.
Đến nay, sau hơn 4 năm phát triển, Legacy Ears đã được nhiều nghệ sĩ tin tưởng lựa chọn, như Diva Hồng Nhung, rapper MCK, ca sĩ Hoài Lâm, Mr Siro…
Duy trì cảm hứng trong công việc
Lưu Hữu Hải sinh năm 2000, ở quê Hải Dương. Hải biết đến tai nghe cá nhân hóa vào năm lớp 9, khi nhìn thấy các nghệ sĩ Hàn Quốc trình diễn trên sân khấu với những mẫu tai nghe rất độc đáo, bắt mắt. Càng tìm hiểu, Hải càng yêu thích, nhưng tại Việt Nam thời điểm đó, tai nghe cao cấp là sản phẩm vô cùng mới mẻ và đắt đỏ. Vì đam mê, Hải đã tự mày mò, đọc các tài liệu chuyên ngành bằng tiếng Anh.
Sau đó, Hải trở thành sinh viên Khoa Cơ lượng hóa, Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Khi học năm thứ 2, từ những kiến thức tự nghiên cứu, kết hợp kiến thức kỹ thuật học được từ trường đại học, Hải tự chế tạo chiếc tai nghe đầu tiên dành riêng cho mình.
Từ đây, nhiều bạn bè bắt đầu đặt hàng Hải làm những mẫu tai nghe cá nhân hóa cho họ. Cứ như vậy, người này giới thiệu người kia, thông tin lan truyền qua các hội, nhóm đam mê âm thanh, sản phẩm của Hải ngày càng được biết đến nhiều hơn.
Tốt nghiệp, ra trường, Hải không xin việc làm, mà tiếp tục theo đuổi đam mê của mình. Cậu thuê một căn gác nhỏ trên phố Vũ Thạnh (Hà Nội) vừa làm nơi ở, vừa làm xưởng sản xuất. Nhưng, đó cũng chính là lúc, Hải phải đối mặt với câu hỏi: làm cách nào thắp sáng “lửa nghề” để tiếp tục hành trình phía trước.
“Khi đam mê chuyển thành công việc, thì đó sẽ là công việc, chứ không còn là đam mê nữa”, chàng trai trẻ tâm sự.
Thay vì duy trì lịch làm việc cố định 8 tiếng/ngày, Hải ưu tiên hoạt động theo tâm trạng. Có những ngày, Hải làm việc miệt mài nhiều giờ đồng hồ và ngược lại, có ngày chỉ làm việc “một chút”, sau đó nghỉ ngơi, đi ra ngoài để tìm cảm hứng.
Để thoát khỏi vòng lặp nhàm chán, nhà sáng lập cũng tìm hiểu và đưa thêm vào sản phẩm các chất liệu nghệ thuật tiêu biểu của Việt Nam như sơn mài, khảm trai, chạm khắc… Đây cũng là lý do thương hiệu được đặt là Legacy Ears, trong đó “Legacy” ngụ ý về những nét di sản Việt Nam được nhà sáng lập gửi gắm thông qua các thiết kế.
Với một thị trường “siêu ngách” như dòng tai nghe độc bản, Hải cho biết, bản thân không đặt nặng mục tiêu tăng trưởng doanh thu. Thay vào đó, cậu đang tiếp tục nghiên cứu, chế tạo tai nghe truyền dẫn qua xương để hỗ trợ đắc lực cho người khiếm thính hoặc người bị suy giảm thính lực do làm việc trong môi trường nhiều tiếng ồn. Đây cũng chính là đề tài tốt nghiệp đại học, được chàng trai Gen Z ấp ủ từ những ngày trên giảng đường và xuất sắc đạt điểm A+.
Hải hy vọng sớm tìm được đối tác để có thể tiến hành sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường. Nếu thành công, giá thành tai nghe trợ thính do Legacy Ears sản xuất có thể thấp hơn 50% so với các sản phẩm hiện có trên thị trường, đang được bán với giá khoảng 50 triệu đồng cho một bên tai nghe.