Lặng thầm nâng những bước chân

“Không ai trong chúng ta muốn mình sinh ra phải khuyết những bộ phận trên cơ thể. Việc tôi lập trung tâm này không phải để đánh bóng tên tuổi, để được nhiều người biết đến, mà là muốn góp một phần sức lực để bù đắp cho những người có phần thiệt thòi trong xã hội”. 

Câu chuyện của ông trong một buổi trưa tĩnh lặng giữa lòng Hà Nội, tiếng xe cộ lẫn vào từng câu chuyện giữa phân xưởng chế tác chân tay giả cho người khuyết tật nay đã bước sang năm thứ 18.

Từ người lính đến bác sĩ quân y

Ông là bác sĩ Lê Thành Đô, nhà ở ngõ 242 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Ngay từ năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, khi đang là học sinh lớp 10, ông lên đường nhập ngũ, vào Sư đoàn 304, làm nhiệm vụ rà phá bom mìn. 

Sau khi rời chiến trường, mang trên mình thương tật, ông được cấp trên động viên theo học Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Sáu năm ấp ủ giấc mơ đèn sách, với tấm bằng cử nhân y khoa, ông được điều về công tác tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành ở tỉnh Bắc Ninh.

Lặng thầm nâng những bước chân - Ảnh 1.

Bác sĩ Lê Thành Đô đang làm việc tại phân xưởng

Nghỉ hưu, ông dồn tâm huyết vào việc thành lập một cơ sở trợ giúp người bị mất tay, chân để họ có thể đi đứng, trở lại làm việc thuận tiện hơn trong đời sống. Năm 2005, Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật (Hà Nội) được thành lập. Không ai kỳ vọng gì nhiều vào lúc này, bởi đều biết việc làm nên một trung tâm như thế khó lường trước những khó khăn và trắc trở. Và ở đây, trong phân xưởng nhỏ bé này, đã ra đời một dự án. 

Những người sống trong con ngõ nhỏ lúc nào cũng thấy xưởng chân, tay giả của bác sĩ Lê Thành Đô và các cộng sự sáng đèn. Những bữa cơm vội vã quây quần sau giờ làm việc căng thẳng và mệt nhọc chỉ có mấy món sơ sài, mấy thành viên nhưng trong mỗi người đều sáng một niềm tin.

Ông Đô kể không phải một ngày mà có khi chục năm trời đằng đẵng, chuyện gầy dựng trung tâm khiến ông suy tư trong nhiều đêm. Càng khó thực hiện ông càng quyết tâm hơn, sẽ không để ai bị bỏ lại phía sau vì một lý do nào khác.

Khởi đầu một dự án vì cộng đồng

Thế rồi một dự án tài trợ của nước Mỹ và nước Đức xa xôi, đã cùng lúc biết đến ông Đô, giúp ông giải tỏa được nỗi phiền muộn trong lòng. Ông William Hoyt, Chủ tịch UniReach International khi ấy, nói: “Tôi sang Việt Nam nhiều lần, một vài chuyến đi thực tế đến các vùng miền, việc gặp gỡ những số phận kém may mắn, những em nhỏ bị khuyết tật bẩm sinh, những thương binh không lành lặn đã khiến tôi quyết định phải làm một điều gì đó vì Việt Nam mến thương. Và cuộc gặp gỡ thoáng chốc với ông Đô, tôi biết mình đã đúng. Ông ấy là một bác sĩ tận tụy, nhiệt huyết và giàu lòng nhân ái. Chúng tôi đã cùng bắt tay để khởi đầu một dự án hữu ích vì cộng đồng”.

Trung tâm Tư vấn Phục hồi chức năng khuyết tật được mở ra. Xưởng sản xuất nhỏ bé nhưng ấm tình người. Ông Đô đã nhìn thấy từ cuộc đời những người lính bước ra từ cuộc chiến, trở về không còn lành lặn – hoặc mất chân tay hoặc không còn đi lại được nữa. Thêm những người bị tai nạn giao thông, những em bé khuyết tật, những nạn nhân chất độc da cam, những người luôn mong muốn tìm thấy một tia hy vọng le lói cho cuộc đời. 

Được sự giúp đỡ của tổ chức nhân đạo uy tín hàng đầu trong lĩnh vực y khoa, những cộng sự giàu lòng nhân ái, ước mơ nâng đỡ bước chân của ông Đô đã đến gần hơn với những cuộc đời kém may mắn.

Lặng thầm nâng những bước chân - Ảnh 3.

Cộng sự của bác sĩ Đô đang chế tác chân tay giả

Khi ấy các kỹ thuật về tiến hành bó bột, lấy cốt, làm nẹp chỉnh hình, làm chân tay giả, áo chỉnh hình đã nắm bắt được, Trung tâm Tư vấn Phục hồi chức năng người khuyết tật được thành lập. Để có tiền mua các dụng cụ nắn xương, chỉnh hình, ông Đô có lúc bán hầu như cả gia sản tích góp được để mua máy móc, trang thiết bị… Cộng sự ai có bao nhiêu góp bấy nhiêu.

Hành trình trong từng bước chân

Trung tâm Tư vấn Phục hồi chức năng người khuyết tật của bác sĩ Đô thời gian đầu hoạt động không như mong muốn vì nhiều lý do. Cả mấy thầy trò khi ấy đã ôm nhau khóc. Ông Đô động viên từng người: “Chúng ta không dễ dàng bỏ cuộc. Mọi người, các em cứ tin tưởng ở tôi. Nếu không làm được, tôi sẽ tự chịu trách nhiệm. Nếu tôi làm được, sẽ có hàng trăm, hàng ngàn người khuyết tật được bước đi trên đôi chân vững vàng trong hành trình tìm lại cuộc đời mình…”.

Những khó khăn cũng qua đi, khi ngày càng nhiều người biết đến người bác sĩ lắp tay chân giả miễn phí cho người nghèo, trẻ em. Mỗi khi thấy trường hợp khó khăn, ông lại gửi cho các tổ chức, cá nhân kêu gọi hỗ trợ và ngay khi được đồng ý, ông lên ngay lịch hẹn khám, lắp chân, tay giả miễn phí. Tất cả những người được ông Đô chữa lành đôi chân, đôi tay, có thể đi lại được, đều bày tỏ lòng biết ơn, kính trọng với ông.

Lặng thầm nâng những bước chân - Ảnh 4.

Nhân viên tại phân xưởng đang nhào nguyên liệu làm chân tay giả

Ông Đô quyết định mở rộng Trung tâm Tư vấn Phục hồi chức năng người khuyết tật, với kỳ vọng đây là một ngôi nhà, địa chỉ tin cậy, nơi gặp gỡ của tất cả những người kém may mắn trong cuộc sống và những cựu chiến binh đã gửi lại một phần xương máu mình nơi chiến trường. Một hành trình nhân đạo mới lại bắt đầu. Lại những người trong trung tâm góp sức, lại tận tụy làm việc, tự tay xây dựng phân xưởng, mua dụng cụ, trang thiết bị… 

Thấm thoắt gần 20 năm Trung tâm Tư vấn Phục hồi chức năng được ông Đô khai sinh, đã có 700 trường hợp người khuyết tật từ khắp mọi miền đất nước tìm đến và chữa lành – lấy lại được một phần cơ thể, có thể đi lại được như một người bình thường, khiến họ tự tin hơn vào cuộc sống.

Ông Đô tâm sự: Ước mơ của chúng tôi là sẽ phát triển Trung tâm Tư vấn Phục hồi chức năng người khuyết tật, có khả năng kinh tế để thay, lắp chân tay giả giúp đỡ đồng đội, nạn nhân chất độc da cam, người bị tai nạn lao động, vì trong xã hội ta bây giờ, những người lính, những người lao động kém may mắn còn chịu đựng nhiều thiệt thòi. Khi có điều kiện, những người được thay, lắp chân tay giả có thể đi lại được bình thường, có thể lao động, lấy lại được niềm tin, trở về hòa nhập cuộc sống. Cuộc đời sẽ ghi những dấu chân, mỗi người khi đi qua đều để lại những dấu ấn rằng ta đã từng ở đó…”.

Cơn mưa đầu mùa hạ tạnh từ lúc nào. Nắng bừng lên chói chang bên những ô cửa sổ ở trung tâm. Ngoài khung cửa, thấp thoáng bóng bệnh nhân đi lại trên đôi chân của mình và những bước chân của họ chưa bao giờ vững vàng và hạnh phúc hơn thế. 

Giúp tự tin trở lại với đời

Với niềm tin sâu sắc, ông dồn hết công sức, tâm huyết và những đồng lương hưu ít ỏi vào công việc sản xuất. Nhiều người sau khi có được dụng cụ chỉnh hình đã hoàn thành ước mơ và có công việc để ổn định cuộc sống.

Điển hình như ông Nguyễn Văn Dậu ở Linh Đàm sau khi có chiếc chân giả đã xin vào làm bảo vệ tại một công ty trên địa bàn thành phố; em Nguyễn Thùy Dương ở phường Hoàng Văn Thụ sau khi có chiếc chân giả đã hoàn thành việc học tập; em Dương Hồng Nhật ở Phú Thọ nhờ có áo nẹp chỉnh hình và chiếc máy may công nghiệp do ông Đô tặng, giờ đã mở được một hiệu may nhỏ tại nhà…

Trung tâm Tư vấn Phục hồi chức năng người khuyết tật có thể gọi là phân xưởng của tình thương. Ban đầu, ông cùng mọi người muốn lấy tên Thành Đô để đặt cho phân xưởng nhưng ở vài nơi đã có mấy trung tâm có tên như thế. Không có tên Thành Đô nhưng logo của trung tâm sẽ là hình ảnh những người khuyết tật vững vàng trên đôi chân mới, giúp họ tìm thấy trở lại cuộc đời mình một cách đầy ý nghĩa và trọn vẹn hơn.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Lặng thầm nâng những bước chân - Ảnh 7.
Lặng thầm nâng những bước chân - Ảnh 8.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *