Nguyên nhân chính được cho là do sự phục hồi của khách quốc tế tới Hàn Quốc vẫn còn chậm hơn so với lượng người Hàn Quốc ra nước ngoài du lịch. Trong nửa đầu năm 2023, Hàn Quốc ghi nhận 4,431 triệu lượt khách du lịch nước ngoài, tăng 446,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này mới chỉ bằng 52,5% thời kỳ 6 tháng đầu năm 2019, trước khi đại dịch xảy ra.
Bộ Tài chính Hàn Quốc ngày 27/11 đã công bố chính sách mới nhằm thu hút du khách nước ngoài và thúc đẩy ngành du lịch trong nước. Theo đó, kể từ năm 2024, Hàn Quốc sẽ tăng gấp đôi khoản tiền hoàn thuế tối đa đối với mỗi khách du lịch nước ngoài lên 5 triệu Won (tương đương 3.831 USD). Theo hãng tin Yonhap, Hàn Quốc hiện áp dụng chính sách hoàn thuế tại chỗ ở một số cửa hàng được chỉ định. Mỗi cá nhân có thể được hoàn thuế tối đa 500.000 Won cho mỗi giao dịch, với khoản tiền hoàn thuế tổng cộng được giới hạn ở mức 2,5 triệu won.
Phát biểu trong cuộc họp của các bộ trưởng Hàn Quốc liên quan chính sách kinh tế khẩn cấp của nước này, Bộ trưởng Tài chính Choo Kyung-ho nêu rõ: “Bắt đầu từ ngày 1/1/2024, số tiền hoàn thuế tối đa cho mỗi khoản thanh toán sẽ được tăng lên 1 triệu Won và tổng tiền hoàn thuế (cho mỗi cá nhân) sẽ tăng lên 5 triệu Won. Động thái này nhằm mục đích thúc đẩy việc mua sắm của khách du lịch nước ngoài và thúc đẩy ngành du lịch trong nước”.
Từ năm 2024, Hàn Quốc sẽ tăng gấp đôi khoản tiền hoàn thuế tối đa đối với mỗi khách du lịch nước ngoài lên 5 triệu Won (tương đương 3.831 USD).
Bộ Tài chính Hàn Quốc nhận định, chính sách mới sẽ giúp Hàn Quốc thu hút nhiều khách du lịch nước ngoài hơn và thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Theo lời trích dẫn của Bộ trưởng Choo Kyung-ho trong một báo cáo của phóng viên truyền thông, kế hoạch này cũng nhằm mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ của Hàn Quốc trong bối cảnh tăng cường dòng người du lịch nước ngoài.
Trước đó, vào ngày 16/10, Yonhap trích dẫn nguồn tin từ Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết, nước này đang xem xét tăng giới hạn mua sắm tối đa đủ điều kiện để du khách nước ngoài được hoàn thuế ngay lập tức. Năm 2019, Hàn Quốc đã đề nghị hoàn thuế ngay lập tức trị giá 31,6 tỷ Won cho du khách nước ngoài, tăng 26% so với mức 24,9 tỷ Won được thống kê vào năm 2018.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc vào tháng trước cũng đã công bố kế hoạch nhằm trấn áp các hoạt động kinh doanh không công bằng trong ngành du lịch, bao gồm tăng giá hay “chặt chém” du khách, trả lương thấp cho nhân viên du lịch và ép buộc du khách phải mua sắm, nhằm cải thiện trải nghiệm du lịch của du khách nước ngoài. Cơ quan này đang có kế hoạch thành lập một trung tâm tiếp nhận báo cáo để theo dõi những hành vi ép buộc khách nước ngoài mua sắm.
Tờ KoreaTimes trích dẫn tài liệu của Hạ nghị sĩ Kim Seung-su (Đảng Sức mạnh Quốc dân, Hàn Quốc), cho biết có 24 trường hợp các đoàn khách du lịch Trung Quốc bị hướng dẫn viên du lịch Hàn Quốc gây sức ép phải mua sắm hoặc trả tiền cho “hoạt động du lịch tùy chọn”, từ năm 2017 đến tháng 9/2023.
Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực thu hút nhiều khách du lịch Trung Quốc hơn khi Bắc Kinh dỡ bỏ lệnh cấm tour du lịch theo nhóm vào tháng 8.
“Hướng dẫn viên và trưởng đoàn đưa chúng tôi đến một cửa hàng nhân sâm ở Seoul. Họ đưa chúng tôi vào một căn phòng, khóa cửa và chặn lối vào”, một du khách Trung Quốc nêu trong báo cáo, đồng thời cho biết nhóm này còn bị đưa đến thêm 2 cửa hàng nữa ở những địa điểm xa xôi, nơi một số người bán hàng là người Trung Quốc.
Một báo cáo khác cũng nêu vụ việc tương tự với du khách Trung Quốc, cho biết thêm rằng một số hướng dẫn viên “sẽ không cho đoàn khách rời khỏi cửa hàng trừ khi họ mua hàng” và hoàn thành “chỉ tiêu bán hàng” của hướng dẫn viên. Một số hướng dẫn viên thậm chí còn chế nhạo những du khách Trung Quốc từ chối mua sắm và cho rằng mua sắm là một phần trong chương trình du lịch “do chính phủ Hàn Quốc yêu cầu”.
Một số hướng dẫn viên còn yêu cầu khách du lịch Trung Quốc trả tiền và tham gia vào “hoạt động du lịch tùy chọn” với chi phí 400 nhân dân tệ, sau khi du khách phản đối việc bị ép mua sắm. Nếu không, du khách Trung Quốc phải trả 1.500 nhân dân tệ tiền phạt vì “không tuân theo lịch trình” và hầu hết du khách sẽ chọn trả tiền cho hoạt động “tùy chọn” ít tốn kém hơn. Những nhóm khách Trung Quốc bị ép buộc mua sắm dường như đã đến Hàn Quốc bằng visa cá nhân và mua các chương trình du lịch thông qua ứng dụng nhắn tin như WeChat.
Theo bà Park In-sook, Chủ tịch Hiệp hội Hướng dẫn viên du lịch Hàn Quốc (KOTGA), việc chỉ tập trung kiếm lợi nhuận là sai lầm từ nhiều năm nay của ngành du lịch Hàn Quốc và sẽ huy hoại hình ảnh đất nước, đồng thời có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành về lâu dài. “Các cơ quan quản lý du lịch phải đưa ra các hướng dẫn chi tiết và cụ thể để ngăn chặn các hoạt động kinh doanh không công bằng, chẳng hạn như ép buộc mua sắm, và xử phạt trường hợp vi phạm”.
Đó là chưa kể, chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực thu hút nhiều khách du lịch Trung Quốc hơn khi Bắc Kinh quyết định dỡ bỏ lệnh cấm các tour du lịch theo nhóm tới Hàn Quốc vào tháng 8, chấm dứt 6 năm gián đoạn do quan hệ căng thẳng sau việc triển khai hệ thống phòng thủ của Mỹ tại đây.
Hàn Quốc vào tháng trước cũng đã công bố kế hoạch nhằm trấn áp các hoạt động kinh doanh không công bằng trong ngành du lịch.
Khách du lịch từ lâu đã coi Hàn Quốc như một thiên đường mua sắm của châu Á. Theo khảo sát năm 2019 từ Tổ chức Du lịch Hàn Quốc, nước này ghi nhận lượng khách nước ngoài liên quan đến K-pop chiếm khoảng 7,4%, tương đương hơn một triệu khách. Những du khách hâm mộ K-pop ấy chi tiêu khoảng hơn 1,1 triệu USD để mua sản phẩm thời trang, mỹ phẩm và các sản phẩm liên quan đến thần tượng. Chỉ riêng ngành mỹ phẩm Hàn Quốc đã đạt giá trị gần 16 tỷ USD và dự kiến đạt 21,5 tỷ USD vào năm 2027.
Mới đây nhất, nhà bán lẻ mỹ phẩm nổi tiếng Hàn Quốc – CJ Olive Young vừa thông báo, biến cửa hàng của họ ở khu Myeongdong Town sầm uất thành nơi mua sắm dành riêng cho khách nước ngoài mê K-pop. CJ cho biết, khách nước ngoài muốn học trang điểm theo thần tượng K-pop, đã góp phần thúc đẩy doanh số bán hàng của hãng tăng vọt. Doanh thu tại sáu cửa hàng ở khu mua sắm sang trọng Myeongdong, trung tâm Seoul trong năm nay đã tăng tới 840% so với 10 tháng đầu năm ngoái.
Đầu năm nay, vượt qua cả khách du lịch đến từ Trung Quốc và Nhật Bản, du khách Việt trở thành những người chi tiêu nhiều tiền nhất tại Hàn Quốc. Theo báo cáo của công ty xử lý thanh toán Hàn Quốc BC Card ngày 3/5, khách du lịch Việt Nam đứng đầu danh sách giao dịch thẻ bình quân đầu người tại Hàn Quốc vào năm 2022, với 197.000 won/lần quẹt thẻ tín dụng (khoảng 3,5 triệu đồng), tăng 89% so với năm 2021.