Sáng 6-11, Quốc hội (QH) bắt đầu thực hiện nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6, QH khóa XV.
ĐBQH Trần Thị Nhị Hà kỳ vọng phiên chất vấn sẽ giải quyết được những vấn đề “nóng” của ngành y tế
ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho biết hoạt động chất vấn là một hình thức giám sát trực tiếp và thường xuyên nhằm làm sáng tỏ những vấn đề được chất vấn và xác định rõ trách nhiệm của chức danh bị chất vấn. Trong những kỳ họp gần đây, QH đã có những đổi mới, đáp ứng được sự mong mỏi của cử tri, Nhân dân. Các phiên họp chất vấn của QH được truyền hình trực tiếp luôn dành được sự quan tâm của cử tri cả nước.
Kỳ họp thứ 6 sẽ có nhiều thay đổi về cách thức tiến hành chất vấn. QH sẽ không chất vấn theo nhóm vấn đề như thông lệ, mà tiến hành theo nhóm các lĩnh vực. Một điểm mới rất đặc biệt khác là các nội dung chất vấn sẽ liên quan đến những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện một số nghị quyết của QH khóa 14 và từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn. Thời gian dành cho mỗi nhóm lĩnh vực chất vấn sẽ được điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thực tế.
Bên cạnh đó, QH đang nêu cao tinh thần “tái chất vấn” việc thực hiện các cam kết, lời hứa của các thành viên Chính phủ về một số nội dung, vấn đề có thời hạn giải quyết, hay đơn giản là chất vấn những vấn đề đã chất vấn, giám sát. Tái chất vấn sẽ là dịp để các đại biểu QH kiểm đếm việc thực hiện nhiệm vụ của các thành viên Chính phủ, Tư lệnh các ngành. Đây chắc chắn cũng sẽ là một nội dung mà cử tri, Nhân dân cả nước rất quan tâm.
“Tôi kỳ vọng phiên chất vấn lần này các thành viên Chính phủ sẽ trả lời thẳng thắn, ngắn gọn, súc tích đúng trọng tâm, không né tránh các vấn đề của ngành lĩnh vực mình phụ trách. Để qua đó, các vấn đề cử tri, Nhân dân thắc mắc, kiến nghị sẽ được đi tới tận gốc rễ, làm cơ sở cho các bộ, ngành sớm có giải pháp căn cơ giải quyết các vấn đề đăng gây bức xúc, đang được người dân mong đợi.
Yêu cầu của chất vấn lần này là “hỏi nhanh, đáp gọn, rõ vấn đề”, vì vậy, tôi đánh giá đây sẽ là phiên chất vấn “nóng” nhưng cũng rất sôi động, hấp dẫn. Từ những nội dung trên, tôi cho rằng 2,5 ngày tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn sắp tới sẽ để lại nhiều dấu ấn và đáp ứng được sự quan tâm, mong đợi của Cử tri và người dân” – nữ ĐBQH kỳ vọng.
Theo ĐB Trần Thị Nhị Hà, ngành y tế là ngành rất đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân. Trong suốt thời gian quan, ngành y tế đang đối với với rất nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí là những thách thức chưa từng có trong tiền lệ như đại dịch COVID-19. Với vai trò đại biểu ngành y tế, nữ ĐBQH rất kỳ vọng trong kỳ chất vấn này, ngành y tế sẽ nhận được những nội dung chất vấn để chỉ ra tồn tại, vướng mắc, vấn đề còn hạn chế của ngành, đồng thời, cũng nhận được những ý kiến có trách nhiệm nhằm hiến kế cho ngành, đưa ra lời giải có tính căn cơ cho những bài toán khó của ngành như: vấn đề thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, vấn đề chế độ chính sách cải thiện thu nhập cho nhân viên y tế, vấn đề giá dịch vụ y tế, vấn đề tự chủ của các cơ sở khám bệnh chữa bệnh…
“Tôi tin rằng, sau phiên chất vấn lần này, ngành y tế có thêm nhiều động lực mới, cách làm mới để tăng cường chất lượng cung ứng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân với mục tiêu chăm sóc, bảo vệ tính mạng sức khỏe người dân là trên hết, trước hết”- ĐB Trần Thị Nhị Hà nói.
ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cho rằng chất vấn thực chất là để làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, nhất là Bộ trưởng, Trưởng ngành với những bất cập, tồn tại trong lĩnh vực quản lý và kiến nghị giải pháp tháo gỡ hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân kỳ vọng phiên chất vấn sẽ giải quyết được nhiều vấn đề
Theo ĐB, tại kỳ họp giữa nhiệm kỳ này, phiên chất vấn nhằm đánh giá việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, Trưởng ngành từ đầu nhiệm kỳ đến nay, như Chủ tịch QH đã phát biểu là hoạt động “giám sát sau giám sát”; đồng thời, là cơ sở để đánh giá, đo lường “chữ tín về lời hứa” và đáp lại niềm tin, thể hiện vai trò, trách nhiệm đối với QH, cử tri và Nhân dân cả nước, qua đó, đi đến tận cùng gốc rễ của các vấn đề đã giám sát, chất vấn, tránh tình trạng “hứa suông”, giải quyết không đến nơi, đến chốn. Đây cũng là cơ sở để đánh giá năng lực, hiệu quả tổ chức thực hiện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tư lệnh ngành trên tất cả các lĩnh vực.
ĐB Hoàng Anh Công (Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho biết kỳ họp lần này chất vấn giữa kỳ, với nội dung chất vấn là tất cả các lĩnh vực liên quan đến kiến nghị sau giám sát của khoá XIV và kiến nghị của khoá XV tính đến Kỳ họp thứ 4. “Nội dung chất vấn dàn trải trong tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội, đòi hỏi tất cả hệ thống cơ quan hành pháp, kể cả Toà án, Viện kiểm sát tham gia trả lời chất vấn”, đại biểu nêu rõ.
Đặc biệt, ĐB Hoàng Anh Công cho rằng tại Kỳ họp thứ 6, lần đầu tiên QH đưa ra thảo luận Báo cáo giám sát tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Báo cáo này trước đây thường được gửi đến các vị đại biểu QH nghiên cứu. Đây là báo cáo quan trọng nhằm giúp hoạt động chất vấn sâu hơn, đi sát thực chất hơn, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.