Hơn 31 triệu người dùng ví MoMo có thể thanh toán trên ứng dụng Grab khi đặt xe, mua đồ ăn, đi chợ online… sau cú “bắt tay” chính thức của ví điện tử này với Grab Việt Nam. Cũng đồng nghĩa, người dùng Grab có thể chọn thanh toán bằng ví điện tử Moca, MoMo, ZaloPay bên cạnh các loại thẻ thanh toán khác.
Hệ sinh thái thanh toán mở
Chưa khi nào các kênh thanh toán không tiền mặt lại phong phú như hiện nay. Nếu ứng dụng gọi xe Be kết nối với MoMo, ZaloPay hoặc ngân hàng số Cake by VPBank thì với Grab, người dùng có thể chọn thanh toán bằng thẻ và nhiều ví điện tử.
Quan sát tại quầy thanh toán của một quán cà phê trong trung tâm thương mại trên đường Võ Nguyên Giáp (TP Thủ Đức), phóng viên ghi nhận có ít nhất 5 phương thức thanh toán không tiền mặt, từ cà thẻ, quét mã QR qua ứng dụng ngân hàng số của VietQR đến quét mã QR qua ví điện tử. Đặc biệt, khi mã QR đa năng được các đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán triển khai, khách hàng có thể quét mã thanh toán của nhiều phương thức cùng lúc.
Cú “bắt tay” giữa MoMo và Grab Việt Nam cho thấy sự cạnh tranh trên thị trường ví điện tử Ảnh: LAM GIANG
Quay lại câu chuyện MoMo hợp tác với Grab, đại diện ví này cho biết người dùng Grab có thể tùy chọn sử dụng các nguồn tiền đa dạng để thanh toán cho dịch vụ mình sử dụng cũng như đa dạng ngân hàng liên kết.
Đặc biệt, MoMo còn tiên phong cung cấp dịch vụ Ví trả sau – sản phẩm tín dụng tiêu dùng đang thịnh hành trên thế giới. Về phía Grab Việt Nam, ông Alejandro Osorio, Giám đốc điều hành, nhìn nhận việc hợp tác với MoMo giúp phương thức thanh toán không tiền mặt tiếp tục được mở rộng.
Trước đó, Grab Việt Nam đã hợp tác với ví điện tử ZaloPay triển khai phương thức thanh toán qua ví điện tử này trên ứng dụng Grab. Tính đến nay, chỉ riêng trên ứng dụng Grab đã có ít nhất 3 ví điện tử cùng được chấp nhận thanh toán là Moca, MoMo và ZaloPay, cho thấy một xu hướng cạnh tranh mới thông qua mở rộng kênh thanh toán cho người dùng lựa chọn.
Không ngoại lệ, Be Group cũng chấp nhận cho người dùng thanh toán bằng cả ví MoMo, ZaloPay và ShopeePay bên cạnh thẻ ngân hàng, Viettel Money…
“Cuộc chiến” mới
Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dẫn số liệu của BDA Partners ước tính quy mô thị trường dịch vụ tài chính số của Việt Nam sẽ đạt khoảng 3,8 tỉ USD vào năm 2025, tăng trưởng bình quân 38%/năm – nhanh nhất khu vực ASEAN. Điều này góp phần thúc đẩy sự cạnh tranh của các ví điện tử nhằm giữ thị phần và thu hút người dùng mới.
Ghi nhận thực tế cũng cho thấy xu hướng người dùng Việt sử dụng kênh thanh toán không tiền mặt và ngân hàng kỹ thuật số sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ. Người dùng ưa chuộng các ứng dụng ngân hàng trên điện thoại, ví điện tử, mã QR, nền tảng thanh toán thương mại điện tử và thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng trên ví di động. Đáng chú ý, một kết quả khảo sát cho thấy 4/5 người dùng ở Việt Nam sử dụng ví điện tử ít nhất 1 lần/tuần và 4/5 người dùng có xu hướng giới thiệu ví điện tử cho người khác.
Theo một số chuyên gia tài chính, các ví điện tử hiện không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn cạnh tranh với những kênh thanh toán khác, trong đó nổi bật là quét mã QR qua VietQR; thanh toán qua thẻ, máy POS hay chuyển khoản. Việc một ứng dụng triển khai cho thanh toán thông qua nhiều ví điện tử đem lại sự lựa chọn phong phú cho khách hàng song cũng đặt các ví vào “cuộc chiến” nóng bỏng.
Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc Napas, thông tin giao dịch qua VietQR trong 9 tháng đầu năm 2023 tăng gấp 16 lần so với cùng kỳ, số lượng giao dịch trung bình hằng ngày gấp 7 lần rút tiền mặt. Mỗi tháng có hơn 20 triệu người sử dụng ứng dụng ngân hàng để quét mã VietQR; hơn 11 triệu mã VietQR được sử dụng để nhận tiền.
Thanh toán thông qua mã QR chiếm khoảng 20% giao dịch tại quầy và gần 40% giao dịch trực tuyến. Hình thức thanh toán này cũng ghi nhận mức tăng trưởng dần đều sau mỗi quý. “Đặc biệt, nếu mã QR trước đây chỉ phổ biến trong các giao dịch mua sắm, ăn uống thì nay được sử dụng phổ biến trong thanh toán hóa đơn điện, nước, truyền hình… với mức tăng quý II/2023 gấp 2,6 lần quý trước” – đại diện ví điện tử Payoo thông tin.
Cần sự điều phối của nhà nước
Thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho thấy có khoảng 100 doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech) đang hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán, tài chính cá nhân, cho vay ngang hàng… Trong đó, 40 ví điện tử đã được cấp phép hoạt động ở thị trường Việt Nam.
Để thị trường thanh toán điện tử phát triển đa dạng, hỗ trợ lẫn nhau, các chuyên gia góp ý cần có sự điều phối từ nhà nước và các đơn vị tài chính dẫn đầu để người dùng được quyền lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp với nhu cầu của họ.