Nền tảng cho tăng trưởng kinh tế

Sáng 3-11, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm: Giải pháp tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023 – đầu năm 2024, với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, đại diện địa phương và doanh nghiệp (DN).

Còn nhiều khó khăn

GS-TS Nguyễn Đức Khương – Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu, Giám đốc điều hành Trường Kinh doanh Léonard de Vinci và Giám đốc phát triển quốc tế Tổ hợp Đại học De Vinci (Pháp) – chỉ ra hàng loạt yếu tố đang tiếp tục tác động đến kinh tế toàn cầu. Đó là đại dịch COVID-19, Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu), xung đột Nga – Ukraine và mới đây nhất là xung đột Israel – Hamas.

Nền tảng cho tăng trưởng kinh tế - Ảnh 1.

Các khách mời trao đổi bên lề tọa đàm: Giải pháp tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023 – đầu năm 2024, do Báo Người Lao Động tổ chức vào sáng 3-11. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo GS-TS Nguyễn Đức Khương, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới nên cũng chịu tác động mạnh mẽ từ tình hình bên ngoài. Trong 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật mới đây gồm 5%; 5,5% và 6%, ông Nguyễn Đức Khương cho rằng kịch bản 5,5% là hợp lý – tất nhiên trên cơ sở nỗ lực rất lớn.

“Cần chuẩn bị những yếu tố nền tảng sẵn sàng cho năm 2024, trong đó tập trung vào chất lượng tăng trưởng, chất lượng đầu tư nước ngoài (FDI) và sự kết nối giữa DN FDI với DN trong nước, chất lượng thể chế… để đạt mức tăng trưởng cao hơn” – GS-TS Nguyễn Đức Khương khuyến nghị.

Những khó khăn của nền kinh tế trong năm 2023 cũng được các hiệp hội phản ánh rõ nét. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Văn phòng Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam tại TP HCM, cho hay kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam năm 2023 dự báo chỉ đạt khoảng 40 tỉ USD, thấp hơn mức 44 tỉ USD năm 2022 và thấp hơn nhiều so với mục tiêu 45-47 tỉ USD đặt ra từ đầu năm.

Đối với ngành gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, thông tin DN trong ngành chịu tác động rất lớn từ khó khăn của thị trường bất động sản. Phần lớn DN nội thất giảm doanh thu 40%-50%. “Việc giảm 2% thuế suất thuế GTGT chưa thúc đẩy được tiêu dùng nội địa. Vậy làm cách nào kích cầu tiêu dùng cá nhân? TP HCM chưa giải ngân hết vốn đầu tư công thì sao không chuyển sang đẩy mạnh tiêu dùng cá nhân, chẳng hạn ưu đãi với người xây nhà mới, sửa nhà cũ…” – ông Phương đề xuất.

Ông Nguyễn Anh Đức – Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam – cho biết từ tháng 7-2023, tiêu dùng nội địa đã trở về mức bằng giai đoạn trước dịch COVID-19. Dù vậy, lần đầu tiên chỉ số niềm tin của người tiêu dùng tại Việt Nam rơi vào tốp thấp nhất Đông Nam Á. Trong khi cơ cấu nguồn hàng hóa đầu vào đang có sự dịch chuyển, hàng ngoại thâm nhập thị trường mạnh mẽ và một số DN xuất khẩu quay lại thị trường trong nước thì người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm hơn.

So với nhiều ngành khác, du lịch đang có lợi thế hơn. Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), cho biết DN đã đón 1,4 triệu lượt khách, tăng 70% so với cùng kỳ và đạt 80% kế hoạch cả năm 2023. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế chưa phục hồi như kỳ vọng. DN này kiến nghị Chính phủ tiếp tục giảm thuế để hỗ trợ DN, người dân; tiếp tục giãn thời hạn nộp tiền thuê đất.

Những giải pháp trọng tâm

TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, nhận định tình hình khó khăn có thể kéo dài đến năm 2024. Dù nhìn tổng thể, khó khăn nhiều hơn cơ hội nhưng trong bối cảnh chung của quốc tế, Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực. Trong đó, nổi bật nhất là sức chống chịu của DN ở nhiều lĩnh vực bên cạnh nỗ lực lớn của Chính phủ với mục tiêu tạo niềm tin cho cộng đồng DN về sự đồng hành, chia sẻ từ phía nhà nước.

Về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, TS Trần Du Lịch cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay là khó đạt được. Do đó, quan trọng hơn là cần xây dựng thể chế, chính sách nhằm tạo nền tảng cho sự phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tiếp theo. 

“Phải tháo gỡ các điểm nghẽn đến nơi đến chốn, tận dụng cơ hội khi DN còn sức lực, còn chống chịu được. Cụ thể, cần tập trung tháo gỡ vướng mắc của thị trường bất động sản ở cả cung và cầu bởi lĩnh vực này tác động tới nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần củng cố thị trường tài chính để tạo nền tảng vững chắc cho vĩ mô” – TS Trần Du Lịch lưu ý.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, các động lực tăng trưởng gồm đầu tư công, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa có khởi sắc ở mức độ nhất định. Dù vậy, ông bày tỏ lo lắng về đầu tư của khu vực tư nhân – khu vực đang chiếm 60%-65% tổng đầu tư toàn xã hội. Nếu như trước đây, tăng trưởng đầu tư tư nhân đạt 15%-17%/năm thì trong 9 tháng đầu năm nay, tăng trưởng chỉ còn khoảng 2,3%.

Cũng liên quan đến khu vực tư nhân, số liệu thống kê cho thấy số DN thành lập mới vẫn tăng nhưng tăng rất thấp. Trong khi đó, cứ 10 DN thành lập mới thì có 8 DN rút lui ở tất cả lĩnh vực. Để đẩy mạnh đầu tư tư nhân, qua đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng cần giải pháp đột phá theo hướng mở lối cho nền kinh tế vận hành, tháo bỏ triệt để rào cản đối với DN.

Liên quan vốn tín dụng, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết ngành ngân hàng đang hỗ trợ các nhóm DN sản xuất – kinh doanh, hợp tác xã và hộ kinh doanh thông qua giải pháp cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất cho vay để giảm bớt chi phí tài chính.

Ông Nguyễn Đức Lệnh thông tin đến thời điểm hiện tại, khoảng 63% dư nợ tín dụng trên địa bàn có lãi suất phổ biến dưới 9,75%/năm, số còn lại dưới 10,53%/năm. Kết quả này cho thấy chính sách về lãi suất, tín dụng của Ngân hàng Nhà nước và trách nhiệm chia sẻ của các tổ chức tín dụng thông qua việc chủ động giảm lãi suất cho khách hàng DN đã có tác động trực tiếp, hiệu quả.

Tư duy lại cách tiếp cận đầu tư công

TS Huỳnh Phước Nghĩa, ĐH Kinh tế TP HCM, đồng tình với quan điểm đầu tư công là một trong 3 động lực của tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, việc giải ngân đầu tư công đối với nhiều dự án ở TP HCM đang gặp vướng mắc liên quan thu hồi đất, thay đổi quy mô dự án… Đáng chú ý, TP HCM vừa phải điều chỉnh quy mô một số dự án.

Từ thực tế trên, TS Huỳnh Phước Nghĩa kiến nghị TP HCM tư duy lại cách tiếp cận đầu tư công trong vai trò là động lực tăng trưởng dài hạn. Cụ thể, bên cạnh lĩnh vực hạ tầng cần tập trung đầu tư, nên xem xét đầu tư công vào những ngành nghề mới mà thành phố đang thu hút đầu tư như công nghệ cao, tài chính, sản xuất công nghiệp… Ngoài ra, TP HCM cũng cần giải quyết các điểm nghẽn để cởi trói cho những động lực tăng trưởng khác ngoài đầu tư công.

Kích cầu tiêu dùng nội địa

Tiêu dùng và thương mại nội địa là một trong 3 trụ cột thúc đẩy kinh tế song đến nay, sự tăng trưởng của lĩnh vực này chưa bền vững và chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho hay trong 10 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa tại TP HCM đạt khoảng 578.000 tỉ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ. Dẫu vậy, mức tăng này vẫn chưa hồi phục về mức trước đại dịch COVID-19. Do đó, ngành công thương TP HCM đã tham mưu UBND thành phố một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian còn lại của năm 2023 và năm 2024. Cụ thể, chú trọng các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, ổn định giá hàng hóa, lưu thông hàng hóa trên thị trường, tăng lượng hàng bình ổn thị trường…, nhất là hàng hóa phục vụ Tết 2024.

“Chúng tôi sẽ tổ chức các chương trình khuyến mại, thực hiện các chương trình kết nối cung – cầu, trong đó đặc biệt chú ý liên kết vùng. Chúng tôi đang phối hợp với các tỉnh, thành để có nguồn hàng hóa trong dịp cuối năm bảo đảm chất lượng tốt nhất và giá bình ổn nhất cho người tiêu dùng” – bà Nguyễn Thị Kim Ngọc thông tin.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *