Mỹ phẩm khô sẽ đột phá ngành công nghiệp làm đẹp?

Thế nhưng, khuynh hướng dưỡng da bằng công thức không chứa nước dự kiến sẽ sớm trở nên rất phổ biến và tạo ra bước đột phá mới trong công cuộc chăm sóc da thời gian tới. Khởi nguồn từ Hàn Quốc và dần lan tỏa đến thị trường Âu Mỹ khoảng 5 năm trở lại đây, mỹ phẩm khô tồn tại phổ biến ở dạng thanh đặc (bánh xà phòng, son thỏi…), tấm mỏng (mặt nạ dưỡng) hoặc bột mịn (dầu gội, sữa rửa mặt khô…). Vì không hoặc chứa rất ít nước, chúng có thể được dùng độc lập hoặc cho phép người dùng thêm nước vào khi sử dụng. 
KHI NGÀNH LÀM ĐẸP TÔN TRỌNG MÔI TRƯỜNG
Theo ABS News, trong sự lên ngôi của mỹ phẩm thiên nhiên và sự đòi hỏi của người tiêu dùng về các loại mỹ phẩm không chất bảo quản, xu hướng mỹ phẩm không chứa nước (waterless beauty) ra đời. Năm 2020, ước tính sản phẩm chăm sóc cá nhân không chứa nước chiếm khoảng 12% thị trường toàn cầu. Năm 2022, tỉ lệ này tăng lên 23% tại khu vực Bắc Mỹ. Giới chuyên gia dự đoán tổng giá trị thị trường mỹ phẩm khô có thể vượt mốc 33 tỉ USD trước năm 2033.  
Ben Grace, Giám đốc điều hành một hãng kinh doanh sản phẩm chăm sóc da thành công ở Anh, quyết định tìm lối đi riêng với thương hiệu mỹ phẩm khô SBTRCT ra mắt năm 2019. Lo ngại về sức ép môi trường mà ngành mỹ phẩm gây ra, Grace chọn cách lập nghiệp theo định hướng bền vững: “2 thập niên qua, rất nhiều thứ đã thay đổi. Công chúng đang nhận thức nghiêm túc hơn bao giờ hết về khủng hoảng khí hậu, khủng hoảng nguồn nước. Đó cũng là động lực khiến tôi muốn đầu tư vào xu hướng mỹ phẩm hiệu quả cao mà không làm lãng phí nguồn nước quý giá”, anh chia sẻ. 

Mỹ phẩm khô tồn tại phổ biến ở dạng thanh đặc (bánh xà phòng, son thỏi…), tấm mỏng (mặt nạ dưỡng) hoặc bột mịn (dầu gội, sữa rửa mặt khô…).

Tương tự Ethique là một trong những cái tên tiên phong nổi bật trong thị trường mỹ phẩm khô. Sản phẩm dầu gội khô dạng rắn của hãng có thiết kế tiện lợi làm từ thành phần 100% thuần tự nhiên và bao bì tự hủy sinh học, ra mắt năm 2012. Hoạt động hơn 10 năm, tuy nhiên đến gần đây, Ethique mới dần được công nhận rộng rãi. 
“Loại bỏ nước để giảm trọng lượng sản phẩm còn giúp nhà sản xuất loại bỏ bớt bao bì nhựa và nguy cơ phát thải nhiên liệu hóa thạch. Bạn vừa có thể tiết kiệm nước, vừa giảm được nguy cơ gây ô nhiễm khi sử dụng sản phẩm ở trạng thái khô, đặc. Về lâu dài, tôi tin mỹ phẩm khô sẽ là giải pháp của ngành cho mục tiêu bảo vệ môi trường”, Brianne West, nhà sáng lập thương hiệu, nhận định. 
Bên cạnh đó, lượng lớn nước trong mỹ phẩm dễ dẫn đến tình trạng vi khuẩn sinh sôi, đồng nghĩa chất bảo quản cần được bổ sung nhiều hơn. Để hóa giải lo âu liên quan đến chất bảo quản, Gaelle Thieme, một nữ doanh nhân tại Anh bắt đầu phát triển mỹ phẩm khô dạng bột mịn. Cô tin rằng nguyên liệu giữ ở thể khô, tinh khiết sẽ đảm bảo được giá trị dưỡng chất nguyên thủy. Dust & Glow – công ty chuyên doanh sản phẩm làm đẹp dạng bột Thieme thành lập năm 2021 – phản ánh hy vọng nâng tầm chất lượng mỹ phẩm khô của cô.
“Dưới dạng thanh hay sáp, dù đã giảm tối thiểu thành phần nước, có khả năng mỹ phẩm vẫn cần dùng đến một lượng nhất định chất bảo quản. Chúng tôi muốn loại trừ hẳn sự tồn tại của nước, chất bảo quản, đồng thời tăng cường lợi ích làm đẹp. Cách làm hữu hiệu là biến tất cả thành phần sản phẩm thành dạng bột. Ví dụ tiêu biểu như vitamin C, một dưỡng chất không quá hợp với nước nhưng khi ở dạng bột khô, nó có thể phát huy tốt hơn chức năng dưỡng da”, Thieme lý giải.

ƯU ĐIỂM ĐI CÙNG HẠN CHẾ
Không riêng các thương hiệu trẻ, độc lập, một số tên tuổi lớn đã bắt đầu nhìn nhận nghiêm túc về thực trạng lạm dụng nước trong thành phần mỹ phẩm. Tập đoàn L’Oréal vừa tuyên bố, trước năm 2030 sẽ tiến hành kiểm tra toàn bộ công thức mỹ phẩm của họ nhằm đảm bảo tiêu chí tôn trọng hệ sinh thái thủy sinh. P&G, công ty hàng tiêu dùng danh tiếng của Mỹ đứng sau nhiều thương hiệu làm đẹp cũng đang bắt đầu cắt giảm 20% nước khỏi quy trình sản xuất.
Theo trang Global Cosmetic Industry, trước kia, nước luôn được xem là chìa khóa để tạo nên một làn da đẹp, tuy nhiên, nếu chú ý kỹ hơn một chút về quá trình hoạt động của da, ta sẽ biết được rằng bản thân da mỗi người đều có khả năng sản sinh ra một loại dầu tự nhiên giúp bảo vệ da khỏi những yếu tố gây hại, đồng thời cung cấp chất chống oxy hóa cùng vitamin duy trì vẻ căng bóng, khỏe mạnh. Trong khi đó, các sản phẩm gốc nước không những không hòa tan được với lớp dầu trên da mà trong quá trình bốc hơi, nước sẽ đem theo cả loại dầu tự nhiên này, khiến cho da bị mất nước, trở nên khô ráp và giảm sức đề kháng.
Khi nước rút khỏi danh sách thành phần cấu tạo nên mỹ phẩm, thì các chất chiết xuất từ thực vật và dầu sẽ được sử dụng để thay thế. Các chuyên gia làm đẹp cho biết: các thành phần này rất giàu vitamin và chất chống oxy hóa, có tác dụng thâm nhập mạnh đến từng lớp da để khắc phục những tồn thương, tăng độ ẩm và tạo nên sức sống mới cho làn da. Đồng thời, chúng còn có tác dụng như một hàng rào bảo vệ da nhằm mục đích ngăn chặn lão hóa sớm.

Loại bỏ nước để giảm trọng lượng sản phẩm còn giúp nhà sản xuất loại bỏ bớt bao bì nhựa và nguy cơ phát thải nhiên liệu hóa thạch.

Nhiều người e ngại rằng, những sản phẩm chăm sóc da không chứa nước chỉ thích hợp với những làn da khô hay lão hóa nhưng các chuyên gia khẳng định rằng dòng sản phẩm mới này sẽ có kết cấu vô cùng nhẹ nhàng, đủ để phù hợp với tất cả các loại da. Có một câu hỏi được đặt ra là nếu với công dụng tốt hơn hẳn như thế, tại sao một lượng lớn các sản phẩm chăm sóc da có thành phần chứa nước vẫn đang được sản xuất?
Câu trả lời lại nằm ở lợi ích kinh tế. Để có thể thay thế thành phần nước trong các sản phẩm làm đẹp, nhà sản xuất sẽ phải sử dụng đến những nguồn nguyên liệu khác, đòi hỏi thời gian và kỹ thuật điều chế phức tạp hơn. Ngoài ra, có một thực tế là mỹ phẩm càng cô đặc thì giá thành sản phẩm cũng tăng. Nhiều người tiêu dùng sẽ chùn chân khi mua mỹ phẩm không chứa nước vì cảm thấy rằng “Sao kích cỡ nhỏ thế mà giá lại cao thế”, khi chi phí R&D (nghiên cứu và phát triển) được tích hợp vào giá thành sản xuất.
Ngoài ra, không phải loại mỹ phẩm nào cũng phù hợp với công thức không chứa nước. Một số nguyên liệu không thật sự phù hợp để áp dụng trực tiếp lên da ở hàm lượng cô đặc. Lấy ví dụ như L-Ascorbic Acid, phiên bản mạnh nhất của vitamin C thoa ngoài da. Không cẩn thận khi sử dụng sản phẩm cô đặc, bạn có thể khiến da cảm thấy rát bỏng. Với một số những mỹ phẩm không nước, cần phải được pha loãng khi sử dụng, tính cô đặc này có thể là “con dao hai lưỡi” – đặc biệt nếu người tiêu dùng sơ suất.