Ngày 29-11, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết theo tính toán số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 10, xuất khẩu sầu riêng đạt 350 triệu USD, giảm 21% so với tháng 9 nhưng tăng 345% so với tháng 10-2022. Lũy kế 10 tháng năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đạt mức kỷ lục hơn 2 tỉ USD, tăng hơn 604% so với cùng kỳ năm 2022. Sầu riêng xuất khẩu có 3 loại gồm: sầu riêng tươi (1,954 tỉ USD, chiếm 94%), sầu riêng đông lạnh (120,3 triệu USD, gần 6%) và sầu riêng sấy 1,7 triệu USD. Về thị trường, Trung Quốc dẫn đầu với gần 1,893 tỉ USD (chiếm 91%). Ngoài ra, các thị trường như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Cộng hòa Czech, Úc, Hàn Quốc, Thái Lan… cũng nhập khẩu sầu riêng Việt Nam. Nhà vườn mang sầu riêng tham dự cuộc thi Trái ngon an toàn Nam bộHiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo sầu riêng xuất khẩu năm nay có thể mang về 2,5 tỉ USD do 2 tháng cuối năm là thời điểm trái vụ. Hiện sầu riêng đang thu hoạch tại một số vùng tại ĐBSCL với giá bán rất cao: sầu riêng Ri 6 từ 120.000 – 125.000 đồng/kg (loại 1); sầu riêng Monthong giá 150.000 – 160.000 đồng/kg. Cũng liên quan đến mặt hàng sầu riêng, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa kết thúc lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc. Theo dự thảo, sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc phải được chọn lọc thủ công, loại bỏ những quả bị lỗi, thối và đảm bảo quả không chứa tạp chất kim loại. Nguyên liệu sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc phải đến từ các vườn trái cây được phía Việt Nam đăng ký. Sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc phải được đóng gói trong bao bì sạch, hợp vệ sinh, nguyên liệu mới đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật.